Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

“Tôi chưa sẵn sàng trả lời”: lời khuyên nói dối?

“Tôi chưa sẵn sàng trả lời”: lời khuyên nói dối?

Đọc bài báo với lời khuyên mang tính vẽ đường cho hưu chạy ('Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này') tôi thấy phân vân, và cần phải bàn thêm về hướng dẫn này. Đại biểu Quốc hội (QH) mà nói tôi chưa sẵn sàng và né tránh câu trả lời “tôi không biết” thì quả thật có vấn đề về thành thật.

Nhìn và nghe các đại biểu QH, quan chức trả lời chất vấn, người dân thường cũng có thể nhận ra nhiều vấn đề. Từ những câu trả lời dài dòng, không đi vào vấn đề, đến những câu trả lời mang tính ngụy biện (mà có lẽ người trả lời cũng không nhận thức được). Từ những câu trả lời nặng cảm tính đến những câu trả lời hàm ý đe dọa, tất cả đều một phần do thiếu kĩ năng giao tiếp với truyền thông. Do đó, VN chúng ta cần nhiều lớp về kĩ năng mềm, đặc biệt là kĩ năng ứng phó với báo chí. Không chỉ dành cho đại biểu QH, mà còn cho tất cả các chính trị gia khác, quan chức, và đặc biệt là công an. Tôi đồng ý với nhiều lời hướng dẫn như mô tả trong bài dưới đây, nhưng tôi cứ lấn cấn với lời khuyên rằng “Không nên trả lời ‘tôi không biết’ hoặc ‘Tôi không có ý kiến gì’ mà nên nói ‘Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này’.” Tôi có vài vấn đề với lời khuyên này.

Thứ nhất, lời khuyên đó mang tính vẽ đường cho hươu chạy. Đối với những đại biểu thiếu khả năng hay lười biếng, lời khuyên đó là một cách tạo điều kiện cho họ chạy trốn câu hỏi, né tránh vấn đề. Vấn đề là đào tạo cho họ kĩ năng giao tiếp bằng cách cung cấp những nguyên tắc xã giao. Mỗi đại biểu là một cá nhân với những tình cảm và trình độ rất đặc thù. Trước một câu hỏi, đại biểu A có thể có câu trả lời khác với đại biểu B, tùy thuộc vào tình cảm và trình độ của mỗi người, nhưng nguyên tắc thì giống nhau. Do đó, cho ra những câu chữ cụ thể chỉ mang tính gợi ý chứ không thể bảo họ phải nói y chang như thế. Không nên tạo ra những công thức chữ nghĩa cho đại biểu.

Thứ hai, lời khuyên đó khuyến khích đại biểu nói dối, không thật lòng. Nói cách khác, cho dù đại biểu QH không biết vấn đề thì cũng cố giữ thể diện mà nói tôi chưa sẵn sàng trả lời! Nhưng đó là cách nói không thật lòng. Nếu không biết thì nói không biết và sẽ tìm hiểu và trả lời sau. Tại sao lại nói “tôi chưa sẵn sàng”, và nếu nói thế thì người dân sẽ hỏi “vậy ông/bà làm gì ở đây, hay là ngồi lầm ghế”.

Thứ ba, lời khuyên đó mang tính công thức bao cấp. Không có một công thức cứng nhắc trong giao tiếp với truyền thông. Thử tưởng tượng nếu tất cả đại biểu QH đều nghe theo lời khuyên trên và đụng câu hỏi nào khó họ cũng đều nói “Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này” thì người nghe chán làm sao. Lúc đó các vị đại biểu là cỗ máy chứ không phải là những cá nhân nữa. Người dân cần đại biểu với một cá tính, dám nói, dám làm, thành thật và thẳng thắn. Người dân đâu cần đại biểu chỉ nói hay mà không thật lòng.

Vậy tôi có lời khuyên nào không? Khuyên thì không dám, nhưng chia sẻ kinh nghiệm thì dám. Trong công việc của tôi, thỉnh thoảng tôi trả lời phỏng vấn cho báo chí phương Tây, từ báo Mĩ, Anh, Úc, Canada, đến Singapore và Kampuchea. Gần đây còn trả lời phỏng vấn cho các đài truyền hình quốc gia của Úc, như đài ABC, đài SBS, đài số 7, số 10. Qua những đợt trả lời phỏng vấn như thế cũng rút ra vài bài học để có thể chia sẻ ở đây. Ngoài ra, hồi còn ở bên Mĩ, trường có gửi tôi (và một số giáo sư khác) đi dự một lớp tập huấn về giao tiếp với truyền thông do một công ti truyền thông giảng dạy. Tôi vẫn còn giữ vài tài liệu, và nhân dịp này xem lại thì thấy có một danh sách gồm 10 cách ứng phó với báo chí dành cho giới khoa học.

1. Chân tình. Nên thoải mái thể hiện cái tôi gồm những cái tốt và chưa được tốt, không nên đóng kịch. Thể hiện cái tôi một cách trung thực cũng là một cách thiết lập niềm tin cho người phỏng vấn.


2. Chuẩn bị. Trước khi phỏng vấn cũng nên nghĩ đến những câu hỏi khả dĩ. Nên nhớ rằng đại biểu QH không phải ngồi đó để trông chờ có câu hỏi có lợi cho mình. Không bao giờ trông chờ điều đó. Phải suy nghĩ đến những câu hỏi hóc búa nhất và chuẩn bị trả lời.

3. Nhiệt tình. Nên tỏ ra nồng nhiệt, mê say, ấm áp với câu hỏi của phóng viên. Một thể hiện như thế sẽ làm cho người xem / nghe thấy mình có lập trường và đam mê với vấn đề.

4. Cụ thể. Không có gì nhàm chán hơn là đọc hay nghe những câu trả trời chung chung, những câu trả lời với nhiều chữ mà không có nội dung. Bí quyết thứ nhất là trả lời ngắn gọn, dùng từ ngữ đơn giản (tuyệt đối tránh dùng những ngôn từ hoa mĩ). Bí quyết thứ hai là nhấn mạnh những dữ liệu quan trọng trước hết, và lúc nào cũng tập trung vào câu hỏi, đừng trả lời ra ngoài đề quá nhiều.

5. Thành thật. Đừng bao giờ đoán câu trả lời. Không có gì sai hay xấu hổ khi trả lời “Tôi không biết” hay “Tôi sẽ quay lại câu hỏi của anh sau khi đã có dữ liệu”. Đừng bao giờ trốn tránh câu hỏi theo kiểu “Tôi chưa sẵn sàng trả lời câu này”.

6. Sử dụng giai thoại. Người nghe thường hay thích giai thoại thú vị. Do đó, người trả lời có thể dùng những câu chuyện đời thường hay giai thoại liên quan để minh họa cho câu trả lời.

7. Lắng nghe cho kĩ. Trong nhiều trường hợp người trả lời nghe không rõ hay không hiểu câu hỏi nên trả lời sai, câu trả lời chẳng liên quan gì đến câu hỏi. Điều này rất kị vì nó cho thấy người trả lời quá hời hợt. Không có gì xấu hỏi để hỏi lại câu hỏi nếu nghe không rõ.

8. Bình tĩnh. Trong vài trường hợp, phóng viên có xu hướng “chọc tức” hay “khiêu khích”, và người trả lời cần phải giữ cái đầu lạnh, trầm tĩnh, không để mắc mưu họ. Ngay cả những câu hỏi không thân thiện, câu trả lời vẫn nên thân thiện. Phải – nói theo tiếng Anh là – stay above, không hạ mình ngang hàng với những người chọc tức.

9. Đừng để phóng viên nhét chữ vào miệng. Một số phóng viên có thói quen nhét chữ vào miệng người khác, kiểu như “Nói cách khác, ông nói rằng ông không hài lòng với …”. Trong trường hợp như thế này, cần phải đính chính ngay. Nếu câu hỏi mang tính xúc phạm, người trả lời cũng không nên dùng chữ xúc phạm, vì nguyên tắc là stay above.

10. Nên nhớ rằng chúng ta trả lời công chúng chứ không phải trả lời phóng viên. Cần phải minh định rằng đối tượng của chúng ta là công chúng, phóng viên là người trung gian. Chúng ta trả lời cho công chúng, chứ không phải trả lời cho phóng viên. Điều này quan trọng vì đó là tiền đề để chọn ngôn từ đơn giản dễ đi vào lòng người.

Còn nhớ ngày xưa trong lớp học Communication for Academics, một giảng viên nói về công thức Q = A + 1. Sau này tôi thấy công thức trong sách dạy về truyền thông. Q ở đây là câu hỏi (question); A là câu trả lời (answer); và +1 có nghĩa là tạo thêm một nhịp cầu mới hay một điểm mới. Công thức Q = A + 1 có nghĩa là khi trả lời câu hỏi, người trả lời nên trước hết trả lời câu hỏi đầy đủ và ngắn gọn, nhưng mở thêm một đề tài hay một điểm liên quan. Không có +1, người trả lời sẽ bị người hỏi kiểm soát; có +1 người trả lời ở vị trí kiểm soát cuộc đối thoại. Q = A + 1 cũng là nguyên tắc khi trả lời phỏng vấn, mà theo đó trả lời một câu hỏi, nhưng còn gợi ra một câu hỏi mới để người trả lời có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình.

Trước khi kết thúc bài này, tôi xin kể một câu chuyện liên quan. Vài tuần trước, tôi đi dự hội nghị khoa học thường niên ở Gold Coast (Queensland). Trong một phiên họp, có một giáo sư thuộc vào hàng “guru” về bone mechanics giảng bài, sau đó có một câu hỏi cũng hơi khó, và ông giáo sư suy nghĩ độ 30 giây rồi trả lời “I don’t know. I really don’t know” (Tôi không biết. Tôi thật sự không biết). Cử tọa cười thoải mái về cách trả lời hết sức thành thật của ông. Nếu theo lời khuyên của các chuyên gia Việt Nam thì ông giáo sư này thất bại, nhưng theo lời khuyên của các chuyên gia về truyền thông quốc tế thì ông là người làm theo đúng checklist của các chuyên gia về truyền thông.

Vậy xin nhắc lại rằng không có gì phải xấu hổ khi đại biểu Quốc hội nói “Tôi không biết, tôi sẽ tìm hiểu và trả lời sau”. Chỉ xấu hổ khi đại biểu gắng gượng trả lời câu hỏi mình không hiểu, hoặc cố tình trốn tránh câu hỏi bằng một câu trả lời thiếu thành thật.

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: nguyenvantuan.net

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Phản bội

Nghĩa đen của từ phản bội chẳng cần phải bàn. Từ phản bội còn tùy thuộc vào ngữ cảnh của nó.

Lúc còn nhỏ, nếu đã cùng chơi một trò gì đó bị người lớn cấm cản, mà sau đó có đứa đi méc ( mách) người lớn, thì đó cũng đã là hành động phản bội. Hành động đó sẽ phải trả giá ngay lập tức, đứa đó sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Khi lớn lên, thì hành động phản bội trở nên đa dạng hơn trong mọi hoạt động của con người, từ tình yêu, tình bạn, đến công việc làm ăn giao tiếp.

Sự phản bội đã được nâng cao đến mức gọi là kỹ năng, nghề nghiệp khi con người dùng nó để mưu lợi như nghề gián điệp ( lại có loại gián điệp có nghiệp vụ cao hơn gián điệp bình thường là loại gián điệp hai mang). Ngoài cái nghề phản bội chuyên nghiệp ấy người ta còn có loại phản bội bán chuyện nghiệp: Trò lừa đảo.

Có thể thông cảm cho thứ nghề nghiệp ấy, vì người ta đã phải dùng nó để mưu sinh!!!

Ở một số người, sự phản bội cứ bộc phát như năng khiếu trời cho! Chả cố ý trục lợi từ nó, cứ tự nhiên mà phản bội lần lượt từng người, trong từng sự việc...trôi qua trong đời họ. Chẳng chút suy nghĩ, ăn năn..Cứ như mọi việc tự nhiên phải thế! Nếu có một ai nói thẳng điều đó với họ, hẳn sẽ làm họ ngạc nhiên lắm, mắt mở to ngây thơ ...Cứ như đứa trẻ đi méc ( mách) tự cho việc mình là là đúng, và chuyện nó đứng nhìn những đứa khác bị đòn là phần thưởng xứng đáng!?

Một định kiến từ khi còn bé của riêng tôi trong câu chuyện nhỏ: Khi mới vào năm học đầu tiên của trung học ( lớp 6 bây giờ, ngày xưa gọi là đệ lục) tôi được chỉ định làm lớp trưởng ( tạm thời, khi thầy hướng dẫn lớp chưa biết năng lực của từng học sinh để đề cử và bầu chọn, mà chỉ dựa vào học bạ). Là một đứa trẻ nhỏ con, gầy còm và ăn mặc xoàng xỉnh, lớp trưởng không được sự nể vì của các bạn vốn to cao, xinh đẹp, điệu đàng và cũng học giỏi ( không giỏi thì khó vào được trường đó). Cho đến một hôm cô giáo bộ môn có việc riêng, lớp trống tiết học. Thầy hướng dẫn đến dặn lớp tự quản trong tiết trống, dặn lớp trưởng ghi tên các bạn gây mất trật tự trên bảng...

Thầy vừa ra khỏi lớp là loạn, rất ít bạn ngồi tại chỗ trò chuyện. Tệ nhất là một nhóm bày trò nhảy dây! Lớp ở trên lầu 1, phòng dưới là phòng giám thị ( giám thị thời ấy được đánh đòn học sinh bằng roi mây. Ông tổng giám thị tên Cung Thế Mỹ là hung thần của học sinh trường nữ), tránh thế nào được chuyện bị đòn? Tôi ra sức năn nỉ các các bạn, bọn nó vờ đi. Tôi dọa sẽ ghi tên họ lên bảng, và họ sẽ bị đánh đòn khi giám thị lên lớp, và chắc chắn họ sẽ lên, vì các bạn đang nhảy thình thịch ngay trên đầu của họ. Tôi bắt đầu ghi tên lên bảng, họ chỉ khựng lại một chút, rồi lại tiếp tục nhảy, như thách thức lớp trưởng mà họ không phục. Ngay lúc đó hung thần xuất hiện ( Cung thế Mỹ là cái tên mà ai đã từng học trường nữ chẳng thể quên được), tôi nhảy ngay lên bục xóa đi cái danh sách vừa ghi. Cả lớp im phăng phắc, ông tổng giám thị hỏi: Ai gây mất trật tự? Tôi nhìn những khuôn mặt tái ngắt ( chắc mặt tôi tái chẳng thua gì?). Sự im lặng căng thẳng ấy được chấm dứt bằng quyết định rất nhanh chóng: Không quản được lớp, thì lớp trưởng chịu trách nhiệm, không ghi tên người mất trật tự thì chịu đòn thay. Tôi đừng úp mặt vào bảng nhận mấy chục roi vào mông, cắn răng lại không khóc.

Bình thường thì khi học sinh phạm lỗi, sẽ phải nhận một tờ giấy quyết định bị trừng phạt mấy roi, tự mang xuống phòng giám thị nhận hình phạt. Lần này thầy giám thị đánh đòn tôi trước mặt cả lớp.

Lớp im lặng một cách ngột ngạt cho đến hết tiết.

Việc đó thay đổi tất cả!



Tôi không thể chỉ ra các bạn phạm lỗi vì đơn giản là tôi cảm thấy điều đó như một hành vi phản bội, nó chẳng khác nào làm một kẻ chỉ điểm, tôi thà chịu đòn.

Đó là một định kiến, hay là một ý thức đã nẩy mầm? Điều đó tốt hay xấu, nên hay không nên? Tôi chẳng biết, tôi chỉ biết cái gì cũng có cái giá của nó. Đến bây giờ ( 36 năm sau) họ vẫn còn là bạn tôi, dù có người đi xa, người ở lại. Tôi đã hiểu được lý do tại sao thầy giám thị phạt roi tôi ngay trước lớp học. Chẳng ai không xấu hổ vì người khác phải chịu đòn vì lỗi mình gây ra.

Chỉ một năm sau ( khi tôi học lớp 7) xã hội thay đổi, một xã hội dạy con người leo cao bằng cách phản bội gia đình, bạn bè, đồng nghiệp ( ngay khi còn đi học). Một xã hội bám vào chủ nghĩa duy vật để đề cao vật chất, bài bác tất cả những giá trị tinh thần.

Thời của sự phản bội?

Đến bây giờ chẳng hiểu xã hội văn minh đến mức nào, hơn hai ngàn năm trước chăng? Khi Chúa Jesu nói : Ai trong các ngươi là kẻ vô tội, hãy ném đá đi. Đã khiến những bàn tay ném đá dừng lại?

Văn minh quá khi những lời thị phi ( xin xem lại nghĩa của từ thị phi) là những dòng chữ gõ trên bàn phiếm, đã biến thành những viên đá xanh. Khi những cái note giăng lên đã biến thành ngọn giáo? Đấu trường truyền thông! Hiện đại nhỉ?

Những viên đá xanh bay ra theo cảm tính bầy đàn, theo đám đông vô tư? Ngọn giáo thọc vào sườn cũng vô tư, không một chút toan tính, không một cảm giác hận thù ghét bỏ? Phải thế không? Vậy hãy an tâm, khi còn đó bao nhiêu người cầu nguyện: Xin Cha tha thứ cho nó vì nó không biết việc nó làm.

Mặc dù không lấy những quan hệ trên thế giới mạng này làm trọng, nhưng vẫn thấy buồn khi chứng kiến bao nhiêu đống đá xanh rất vô tư ném vào nhau vun vút. Hình như ném cho hả hê tính bạo tàn đã giấu khéo léo vào đâu đó.

Đôi khi chỉ ném vô tình như người qua đường dừng lại xem tai nạn!?

Hay đó là những tròn bạo hành có tính toán như đám côn đồ giả danh vẫn thỉnh thoảng chặn đường ai đó?

Hoặc là một dị bản của trò đấu tố?

Tôi không biết.

Với tôi nó là sự phản bội.

Phản bội với tôi đôi khi rất đơn giản: Bạn nói gì đó với tôi, và bảo điều đó là bí mật, sau đó bạn tiếp tục trao cái bí mật đó cho người khác (thế thì có gì là bí mật?).

Phản bội với tôi là khi tôi chia sẻ với bạn bất cứ chuyện gì (dù quan trọng hay không quan trọng) và bạn mang đi làm quà cho người khác.

Phản bội với tôi là lời nói đã được vo tròn hay bóp méo tùy vào cảm tính, để đạt được ý đồ riêng bất chấp sự thật và tín nghĩa.

Trong cuộc sống đời thường, ở tuổi này tôi thường nghe người ta đem những chuyện riêng tư ( thậm chí chuyện phòng the) ra tâm sự, với tôi đó cũng là sự phản bội. Nó phản bội sự thiêng liêng của tình yêu, nó phơi bày trần trụi mục đích tình dục.

Những giá trị tinh thần cao cả đều thiêng liêng, chẳng phải riêng gì tôn giáo, tín ngưỡng, mà ngay cả tình yêu (yêu tổ quốc, yêu dân tộc, yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu người...), hay đạo đức, nghệ thuật, lịch sử...đều thiêng liêng.
Bất cứ hành vi nào biến đổi, trần tục, phỉ báng... những giá trị tinh thần ấy nhằm bất cứ mục đích nào đều là sự phản bội.

Khái niệm phản bội hình như không có trong suy nghĩ của những người sẵn sàng tráo trở?

Cái thời mà chữ tín chẳng đáng giá một xu! Và sự lừa dối lại đẩy bao kẻ lên ngôi chót vót. Thời mà sự giả dối chất chồng lên nhau như các tấm bằng tốt nghiệp trung học giả, đại học giả, thạc sĩ giả và cả giáo sư tiến sĩ giả, làm nên một chỗ ngồi cao chót vót, sai khiến một bầy chưa đủ năng lực giả bằng ta?!

Đó là thời của sự phản bội!

Khi đã phản bội với chính bản thân mình (thiếu tự trọng, giả dối, không uy tín...) thì việc phản bội mọi người chung quanh chỉ là chuyện nhỏ (nhỏ đến mức không cảm thấy đó là phản bội), và việc bán trời không văn tự cũng chẳng còn xa!

Phản bội là đánh mất chính mình!
Sống mà đánh mất chính mình?! (chắc chắn chết chẳng còn linh hồn).

Thế có phí một đời làm người không?


Nguồn: Menam Blog

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Miễn phí

Miễn Phí

Một cậu bé trạc khoảng 15 tuổi muốn có tiền tiêu, thay vì chìa tay ra xin mẹ, cậu ta bèn nghĩ ra cách viết 1 tờ giấy gởi đến mẹ như sau:
1. Sáng phụ Mẹ dọn dẹp giường ngủ ................$1.00
2. Phụ Mẹ dọn dẹp bữa ăn sáng .................. $2.00
3. Sau khi đi học về coi em ..................... $3.00
4. Phụ Mẹ dọn bữa ăn tối, sau đó dọn dẹp......... $4.00
Cộng .........$10.00
Thời hạn thanh toán: Sáng sớm mai trước khi con đi học

Sáng sớm ngày mai bà mẹ đặt tờ giấy bạc $10 trên bàn cho cậu ta và sau khi cậu rời nhà đi học, bà mẹ lật mặt sau tờ giấy lại và ghi như sau:

1. Mẹ mang bầu con 9 tháng 10 ngày ......................Miễn phí
2. Tiền tã lót, bệnh viện, sữa khi sinh con ..............Miễn phí
3. Tiền nuôi con từ lúc sinh ra đến nay ..................Miễn phí
4. Chi phí ăn học, chữa trị cho con khi ốm đau ...........Miễn phí
5. Lo đám cưới cho con hoặc phải nuôi con trọn đời
nếu con tật nguyền hoặc bị bệnh nan y .................. Miễn phí
6. Các khoản không thể liệt kê hết đều miễn phí cho con trai của Mẹ
Thời hạn chi trả cho con ...........................Trọn đời Mẹ

Khi đi học về cậu chạy vô phòng, thấy tờ giấy cậu cầm lên đọc.
Rồi cậu lấy ra 1 tờ giấy khác và viết như sau:
Thưa Mẹ, con xin lỗi Mẹ... Kể từ nay:
1. Phụ giúp Mẹ .................... Miễn phí
2. Ráng ăn học thành tài .....................Miễn phí
3. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người ..................Miễn phí
4. Luôn quan tâm, săn sóc Mẹ .................. Miễn phí
5. Các khoản chi tiêu lo cho Mẹ khi về già .....Miễn phí
Thời hạn thực hiện........... Trọn đời con

Sáng hôm sau khi con còn đang ngủ, bà mẹ vẫn đặt tờ giấy bạc $10.00 lên bàn cho con thì bỗng thấy tờ giấy mà cậu viết. Sau khi đọc xong, những giọt nước mắt lăn dài trên má bà mẹ song miệng vẫn nở 1 nụ cười và bà nghĩ rằng có lẽ đây là nụ cười mãn nguyện nhất từ khi sanh con ra đến nay.

+++++++++++++++++++++
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.

Trần Trung Đạo